Các bậc cha mẹ luôn bận rộn với công việc, không có thời gian để chăm sóc cho con em mình nên thường nấu một lần rồi dự trữ trong tủ cho trẻ ăn dần. Nhưng đối với trẻ em thì thức ăn tươi mỗi bữa là tốt nhất.
- Vài lưu ý khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh
- Cách nhận biết tủ lạnh hết gas
- Một số nguyên tắc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh
Tủ lạnh đã giúp cho các bà nội trợ rất nhiều trong việc dự trữ thực phẩm cũng như tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc. Nhiều người cho rằng cứ bỏ thức ăn vào trong tủ lạnh thì vi khuẩn sẽ không sống được, lúc nào cần thì chỉ việc lấy ra hâm lại rồi ăn.
Sự thực không phải như vậy, nhiệt độ trong ngăn đông có thể kìm hãm được đa số các loại vi khuẩn nhưng không diệt được chúng. Còn với nhiệt độ trong ngăn mát vi khuẩn chỉ giảm tốc để sinh sôi . Sau một thời gian nhất định, thức ăn vẫn có thể bị hỏng sau khi đưa ra ngoài thì vi khuẩn lại phát triền rất nhanh, nếu thấy thức ăn có mùi vị khác thì nên bỏ đi để tránh bị ngộ độc. Cách bảo quản tốt nhất là đậy kín thức ăn và phân biệt ra thực phẩm chín- sống để tránh bị nhiễm khuẩn chéo. Còn thức ăn nào dễ bị ôi thiu thì phải được bảo quản gần ngăn đá hơn. Thức ăn nên chia thành từng phần nhỏ vừa đủ cho mỗi bữa ăn của trẻ. Nếu thức ăn của trẻ ăn còn dư thì nên bỏ đi vì nó đã bị nhiễm khuẩn. Với trẻ em thì nên ăn thức ăn tươi mỗi bữa là tốt nhất Cha mẹ có thể nên mua thức ăn tươi sống cho 2-3 ngày rồi sơ chế chia thành từng phần nhỏ để sẵn trong tủ lạnh rồi nấu cho trẻ vào mỗi bữa thời gian mỗi bữa cũng không lâu hơn là hâm lại.
Bảo quản sữa cho trẻ.
Nếu buộc phải pha sữa sẵn cho trẻ và để trong tủ lạnh, nên dùng hết trong vòng 24 giờ và bỏ phần sữa đã uống dở. Mỗi bình sữa pha sẵn phải có nắp đậy kín, không nên pha thừa và dùng lại sữa đã uống dở vì đã nhiễm khuẩn từ miệng bé… Sữa mẹ vắt ra trong ly hoặc bình kín có thể để trong tủ lạnh 24 – 48 giờ, trước khi cho trẻ uống thì nhúng vào ly nước ấm để tăng dần nhiệt độ, không nên đun nóng hoặc dùng lò vi ba sẽ làm hỏng các chất kháng khuẩn có trong sữa. Nếu cần bảo quản sữa mẹ thì để trên ngăn đá, có thể dùng trong 2 – 6 tháng, tuy nhiên mùi vị không ngon như sữa mới.
Các dạng sữa tươi đóng gói thủ công, nếu bảo quản trong tủ lạnh cũng chỉ an toàn trong vòng 24 giờ. Sữa tươi, sữa đậu nành được tiệt trùng bằng công nghệ cao sau khi khui hộp chỉ nên dùng trong vòng 48 tiếng và phải đậy kín nắp hộp. Yaourt, phômai dùng theo hạn sử dụng ghi trên nhãn. Yaourt tự làm thì dùng trong vòng 5 – 7 ngày.
Mật ong phải dùng hũ thuỷ tinh hay nhựa mờ để tránh bị hỏng bởi ánh sáng, không dùng hũ kim loại vì trong mật ong có các axít hữu cơ có thể tạo phản ứng hoá học.
Hạn chế nhiễm khẩn trong tủ lạnh.
Thức ăn bảo quản trong ngăn mát thường chỉ sử dụng trong vòng 5 – 7 ngày. Nếu ăn còn dư để lại thì chỉ nên dùng thêm một ngày. Để hạn chế nhiễm khuẩn thức ăn, chúng ta cho thức ăn đã chế biến vào tủ lạnh trong vòng 2 – 4 giờ sau khi chế biến, khi thức ăn nguội hẳn. Tốt nhất là tất cả đều có bao kín hoặc hộp kín để tránh bị hút nước làm thức ăn khô và không ảnh hưởng mùi vị các món khác. Với ngăn đông, thức ăn có thể dự trữ khoảng hai tháng, tuy nhiên cần lưu ý sau khi rã đông thì nên chế biến hết chứ không cấp đông trở lại vì các tinh thể nước tan ra đã làm vỡ màng tế bào và thực phẩm rất dễ hỏng. Trước khi cấp đông nên sơ chế sạch và chia ra từng phần đủ dùng cho một bữa.
Thường xuyên vệ sinh tủ lạnh nhằm loại bỏ bớt vi khuẩn trong đó. Nhiệt độ của tủ lạnh cũng phải được duy trì ổn định, tránh mở cửa liên tục dễ làm hỏng thức ăn. Nên tính toán kỹ việc sắp đặt thức ăn cho thật hợp lý, chia từng phần để khi lấy ra có thể sử dụng hết trong một lần ăn, thức ăn nào dùng trước để ở nơi dễ lấy.